Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm thứ Tư, doanh số bán lẻ — chưa được điều chỉnh theo lạm phát — đã tăng 1.4% trong tháng 3, mức cao nhất trong hơn hai năm. Nếu loại trừ ô tô, doanh số vẫn tăng 0.5%.
Đà tăng này cho thấy người tiêu dùng đang tranh thủ mua ô tô trước khi Tổng thống Donald Trump áp mức thuế 25% đối với xe thành phẩm, trong khi thuế với linh kiện xe dự kiến sẽ có hiệu lực muộn nhất vào ngày 3 tháng 5. Điều này được cho là sẽ làm giá xe tăng thêm hàng nghìn USD, dù Trump đang cân nhắc một số miễn trừ tạm thời.
Dù ô tô ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hai năm, đà tăng này của doanh số bán lẻ vẫn mang tính toàn diện, 11/13 nhóm hàng trong báo cáo ghi nhận mức tăng. Doanh số vật liệu xây dựng, đồ thể thao và đồ điện tử cũng tăng, có thể phản ánh người tiêu dùng cũng đang muốn tránh thuế quan đối với các mặt hàng này. Nhiều sản phẩm trong số đó được sản xuất tại Trung Quốc và hiện đang chịu mức thuế lên đến 145%.
Một số khảo sát về tâm lý người tiêu dùng đã sụt giảm mạnh khi ông Trump tiếp tục thúc đẩy chính sách thuế quan, điều này cũng khiến kỳ vọng lạm phát trong một số chỉ số tăng vọt và làm suy giảm nhận thức của người dân Mỹ về tình hình tài chính cá nhân. Người tiêu dùng thu nhập thấp vốn đã gặp khó khăn, trong khi nhóm giàu hơn lại bị ảnh hưởng bởi đợt bán tháo cổ phiếu gần đây — tất cả điều này đang làm triển vọng chi tiêu trở nên ảm đạm và làm dấy lên lo ngại về suy thoái.
Dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ trong nhóm “kiểm soát” — nhóm hàng hóa được dùng để tính toán chi tiêu hàng hóa trong GDP — đã tăng 0.4% trong tháng 3. Chỉ số này không bao gồm dịch vụ ăn uống, đại lý ô tô, vật liệu xây dựng và xăng.
Dù các nhà nhập khẩu là bên trực tiếp trả thuế, họ thường sẽ chuyển ít nhất một phần chi phí đó sang người tiêu dùng — dù việc chuyển giá này có thể mất vài tháng. Vì các con số doanh số bán lẻ không được điều chỉnh theo lạm phát, các mức thuế có thể làm sai lệch dữ liệu trong thời gian tới, vì mức tăng có thể chỉ phản ánh giá cả cao hơn chứ không phải hoạt động bán hàng sôi động hơn.
Các công ty như Ford Motor và Walmart đang cố gắng hỗ trợ người tiêu dùng bằng cách bù đắp một phần chi phí tăng thêm, dù điều này sẽ làm giảm lợi nhuận. Dù vậy, các giám đốc điều hành từ tập đoàn hàng xa xỉ LVMH đến hãng bia Constellation Brands nhìn chung vẫn có tâm lý bi quan và tỏ ra thận trọng trước phản ứng của người tiêu dùng.
Một báo cáo khác công bố cùng ngày cho thấy sản lượng công nghiệp của Mỹ đã tăng với tốc độ vừa phải trong tháng 3. Mức tăng này được thúc đẩy bởi việc lắp ráp xe hơi tăng vọt trước khi thuế quan đối với linh kiện xe có hiệu lực.
Hiện Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang trong trạng thái “chờ và xem” cho đến khi có thêm thông tin rõ ràng về tác động của thuế quan đến giá cả — và nền kinh tế nói chung. Một số nhà hoạch định chính sách cho rằng mức thuế này sẽ gây ra cú sốc giá một lần, trong khi những người khác cảnh báo tác động có thể rộng hơn.
Chi tiêu tại các nhà hàng và quán bar — danh mục duy nhất thuộc ngành dịch vụ trong báo cáo — đã tăng 1.8%, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2023.
Bloomberg